Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc da sau thay da sinh học

Ngày: 15/08/2020 lúc 20:59PM


Ở bài viết trước Những việc nên và không nên làm sau thay da sinh học bạn đã được làm quen với những điều cơ bản về chăm sóc da sau thay da sinh học. Bài viết hôm nay sẽ đi vào chi tiết để giúp bạn hiểu chính xác cách chăm sóc da hàng ngày sau trị liệu thay da sinh học.

 

Cách chăm sóc da khi mới trị liệu xong


- Biểu hiện của da: Khi vừa trị liệu xong, da sẽ hơi ửng đỏ, rát nhẹ (tùy nồng độ axit, thời gian trị liệu và chu kỳ thay da của từng độ tuổi). Da có thể đóng mài nhiều, bong tróc mạnh hoặc đóng mài ít, không bong tróc, hơi khô.



- Cách chăm sóc da:

+ Làm sạch da: Hầu hết các loại dung dịch thay da sinh học cần được lưu lại trên da mặt bạn trong vòng 5-6 giờ, do đó không nên rửa mặt hoặc để ra mồ hôi. Sau thời gian này bạn có thể rửa mặt bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch để làm sạch da.


+ Chống nắng: Sau khi trị liệu, da của bạn sẽ mỏng và dễ bắt nắng. Hãy chắc chắn rằng bác sĩ da liễu/chuyên gia thẩm mỹ thoa kem chống nắng cho bạn trước khi đi ra ngoài và sử dụng lại kem chống nắng trong suốt cả ngày nếu cần thiết. Hãy tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và che chắn kỹ cho da khi đi ra ngoài.


+ Dưỡng ẩm cho da: Bạn nên dưỡng ẩm cho da thường xuyên, có thể dùng kem dưỡng ẩm, kết hợp với xịt khoáng và đắp mặt nạ phục hồi vào buổi tối để giúp da duy trì độ ẩm và nhanh hồi phục hơn.


- Cần lưu ý:

+ Tránh các hoạt động có thể làm ra mồ hôi trong vòng 48 giờ sau trị liệu.


+ Không chà xát hoặc mạnh tay khi rửa mặt, thoa kem chống nắng hoặc dưỡng ẩm


+ Tuyệt đối tránh chạm tay hoặc các đồ vật khác vào vùng da vừa trị liệu vì có thể gây ra các nguy cơ kích ứng da, nhiễm trùng và nổi mụn

 

Cách chăm sóc da từ ngày 1-3 sau trị liệu


- Biểu hiện của da: Sau khi trị liệu thay da sinh học từ 1-3 ngày, da sẽ hơi sạm, khô và rát nhẹ. Một số trường hợp có thể ít bong tróc hoặc không bong tróc.



- Cách chăm sóc da:

+ Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, kem dưỡng ẩm và kem chống nắng là rất quan trọng vì những bước này giúp thúc đẩy quá trình phục hồi da và mang lại hiệu quả trị liệu tốt nhất.


+ Rửa mặt và dùng kem dưỡng ẩm: Nếu da bong vảy và căng rát nhiều, bạn hãy rửa mặt bằng nước muối sinh lý hoặc sữa rửa mặt dịu nhẹ, xịt khoáng và dùng kem dưỡng ẩm. Nếu da bong vảy ít hoặc không bong vảy, bạn có thể rửa mặt 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và không chứa hạt.


+ Chống nắng: Đây là việc cần ưu tiên hàng đầu trong chăm sóc da sau trị liệu. Bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF30 trở lên một cách thường xuyên và bôi trước khi ra ngoài 30 phút, đồng thời bôi lại sau 2-3 giờ. Hạn chế đi ra ngoài tối đa, nếu thực sự cần thiết phải ra ngoài, hãy che chắn kỹ cho làn da bằng ô cầm tay, quần áo dài, mũ rộng vành, kính, khẩu trang.


- Lưu ý:

+ Không nên tập luyện nặng hoặc để ra nhiều mồ hôi trong vòng 2-3 ngày


+ Không nên để da tiếp xúc với nhiệt độ cao vì điều này có thể gây ra hiện tượng sưng viêm, đỏ rát và đối với thay da sinh học cấp độ sâu là hiện tượng phồng rộp bên dưới da.

 

Cách chăm sóc da từ ngày 4-7 sau trị liệu



+ Rửa mặt: Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không có hạt 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối để làm sạch da.


+ Dưỡng ẩm: Sử dụng kem dưỡng ẩm và xịt khoáng cho da mỗi khi thấy da bị khô để đảm bảo cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng và chất khoáng cho da.


+ Dưỡng da: Nếu da không có các hiện tượng mụn, sần, khô, … thì bạn có thể sử dụng thêm serum, các sản phẩm dưỡng da chứa vitamin C giúp làm sáng da, nước tẩy trang, … được chỉ định bởi bác sĩ da liễu để đẩy nhanh quá trình phục hồi của da. Ngược lại, nếu như da có hiện tượng mụn, sần, sạm da,… thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ tư vấn để được thăm khám kịp thời và thay đổi các sản phẩm trong liệu trình điều trị nếu cần thiết.


+ Chống nắng: Tương tự như giai đoạn từ ngày 1-3, bạn cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF30 trở lên và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng như sử dụng các đồ bảo vệ làn da khi đi ra ngoài.

 

Cách chăm sóc da từ ngày 7-14 sau trị liệu


+ Rửa mặt: Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ để làm sạch da 2 lần/ngày.Dưỡng ẩm: Sử dụng kem dưỡng ẩm và xịt khoáng cho da bất cứ khi nào thấy da bị khô để duy trì độ ẩm giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của da.


+ Dưỡng da: Trở về quy trình chăm sóc da thường ngày. Bạn có thể bắt đầu sử dụng lại các sản phẩm chứa Retin-A, Differin hay alpha hydroxy acid hoặc kem làm trắng da từ ngày thứ 8 sau trị liệu, hoặc khi nào thấy hiện tượng bong tróc da đã chấm dứt.


+ Chống nắng: Sử dụng kem chống nắng SPF30 trở lên, thoa lại sau mỗi 2-3 giờ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và luôn mang đồ bảo vệ làn da khi ra ngoài.

 


- Lưu ý:

+ Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm tẩy da chết trong quá trình thay da sinh học

+ Hãy chờ cho đến khi hiện tượng bong tróc da đã hoàn toàn chấm dứt, khi đó bạn mới có thể tiến hành những trị liệu cho da mặt khác, bao gồm: điều trị laser, wax lông hoặc sử dụng kem tẩy lông và microdermabrasion (hay còn gọi là siêu mài mòn da, là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để làm mới tông màu da và kết cấu tổng thể)

 

Những lưu ý khác khi chăm sóc da sau thay da sinh học


+ Uống nhiều nước: Uống tối thiểu 8 cốc nước mỗi ngày sẽ giúp cơ thể bạn loại bỏ độc tố và cải thiện làn da. Các tế bào da được hình thành từ nước, nếu bạn không uống đủ nước, làn da sẽ bị khô và xỉn màu. Uống đủ nước có thể giúp bạn đẩy nhanh quá trình phục hồi của da sau trị liệu thay da sinh học.


+Để da bong tróc tự nhiên: Khi da bắt đầu bong, hãy dừng việc chà xát hoặc kỳ cọ trên da và tránh không dùng các loại sữa rửa mặt tẩy tế bào chết. Điều dễ hiểu là bạn muốn đẩy nhanh quá trình bong da, đặc biệt khi các mảng da bắt đầu xuất hiện. Hãy kiên nhẫn, bạn sẽ sớm nhận thấy hiệu quả cao của thay da sinh học. Hãy nhớ rằng thời gian sẽ làm phục hồi mọi thứ, vậy nên hãy để da tự bong ra.


+Tránh sử dụng các loại thực phẩm chua và nhiều muối: Những loại thực phẩm có chứa nhiều muối rất không tốt cho làn da, bởi vì muối làm cơ thể bạn giữ nước, dẫn đến da bị phồng ra. Bạn có thể làm cho gương mặt bạn trông béo phí bằng cách ăn những thực phẩm chứa rất nhiều muối. Tránh ăn chúng sẽ giúp không chỉ làn da mà còn tốt cho cả cơ thể bạn. Những thức ăn chua như cam quýt không có hại gì khi ăn và tiêu hóa. Điều gây rắc rối là khi chúng bị dính vào da sẽ gây ra cảm giác đau châm chích và bị kích ứng, do đó hãy tránh ăn chúng trong thời gian da hồi phục.



+ Tránh trang điểm da: Mỗi khi bạn thay da sinh học, hãy hỏi bác sĩ của bạn xem khi nào là thời điểm thích hợp để trang điểm trở lại. Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào độ sâu và độ mạnh của dung dịch thay da sinh học, dẫn tới da bạn sẽ bong ở các mức độ khác nhau. Để da phục hồi đầy đủ và an toàn, da cần được giữ sạch sẽ trong khi các lớp da cũ bong ra và lớp da mới dần thay thế. Nếu bạn trang điểm quá sớm có thể gây ra nhiễm trùng và những triệu chứng khác như kích ứng da.


+ Sử dụng nước lạnh: Hãy rửa mặt bằng nước lạnh để giúp da thư giãn sâu. Chăm sóc da bằng nước lạnh có thể giúp làm dịu da trong giai đoạn sau trị liệu thay da sinh học.


+ Tránh ngủ muộn: Ngủ đủ giấc và đúng giờ rất quan trọng. Giấc ngủ là thời gian để các tế bào da tái tạo. Da được tạo thành từ các tế bào, do đó để đẩy nhanh quá trình phục hồi, hãy cho da được nghỉ ngơi đầy đủ. Đừng lạm dụng khả năng “thức” của bạn bởi vì điều đó có thể hủy hoại làn da trẻ trung và mịn màng của bạn.

 

 

 

Trần Thị Vân Thảo
BÌNH LUẬN

    zalo facebook