Mọi điều cần biết về lăn kim/phi kim, dụng cụ trị liệu và tự điều trị tại nhà
Ngày: 18/07/2020 lúc 15:00PM
Lăn kim/phi kim là quá trình sử dụng các đầu kim để đâm vào và tạo ra hàng trăm lỗ nhỏ li ti trên bề mặt da. Phương pháp này có vẻ là xu hướng mới nhất trong ngành thẩm mỹ và chăm sóc da, tuy nhiên thực tế nó đã xuất hiện và phát triển được hơn 50 năm!
Những tín đồ của lăn kim/phi kim cho rằng phương pháp này xử lý được mọi vấn đề từ nếp nhăn, tăng sắc tố và da xỉn màu cho tới sẹo, vết rạn da (stretch marks) và da sần vỏ cam (cellulite), và mặc dù các kết quả vẫn còn chưa rõ ràng về điều trị da sần vỏ cam, chúng ta hãy cứ hy vọng.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu vào năm 2009, có 37 bệnh nhân đã trải qua lăn kim/phi kim để điều trị sẹo rỗ (những vết sẹo có nguyên nhân từ mụn, bệnh thủy đậu, vân vân).
Sau một số lần trị liệu tiến hành bởi các chuyên gia, trên 80% bệnh nhân đã giảm được sẹo và đánh giá quá trình điều trị của họ là “xuất sắc”.
Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu phương pháp lăn kim và phi kim để xem chính xác điều gì tham gia vào quá trình trị liệu và chúng có thể mang lại lợi ích gì.
Lăn kim/phi kim là gì?
Lăn kim/phi kim sử dụng một dụng cụ trị liệu với những đầu kim nhỏ để châm vào da. Cách làm này giúp kích thích sản sinh ra collagen ở da mặt giúp bạn có làn da mềm mại và mịn màng hơn. Lăn kim/phi kim phần lớn là phương pháp trị liệu dành cho da mặt và hiệu quả khi điều trị các loại sẹo và mụn ẩn, mụn cám, nếp nhăn, da sần sùi. Nhiều người sử dụng dụng cụ lăn kim/phi kim tại nhà, tuy nhiên việc trị liệu được thực hiện bởi các chuyên gia luôn được khuyến nghị.
Lợi ích của lăn kim và phi kim là gì?
Lăn kim/phi kim hay còn được gọi là Liệu pháp Tăng sinh Collagen liên quan đến việc sử dụng một công cụ được gọi là máy phi kim (dermapen) hoặc con lăn kim (dermaroller).
Máy phi kim có những chiếc kim nhỏ ở một đầu giúp tạo ra những lỗ nhỏ hoặc vết kim chích ở lớp trên cùng của làn da bạn.
Một phương pháp khác sử dụng một con lăn kim (dermaroller). Dụng cụ này trông giống một con lăn sơn thu nhỏ với rất nhiều đầu kim nhỏ.
Nó được lăn nhẹ nhàng theo các hướng khác nhau trên bề mặt da của bạn để đạt được hiệu quả tương tự như phi kim.
Mục đích của phương pháp này có hai mặt:
- Các lỗ nhỏ tạo ra bởi các đầu kim sẽ hình thành nên “các rãnh nhỏ”, cho phép các sản phẩm chăm sóc da thẩm thấu vào các lớp da sâu hơn để mang lại hiệu quả điều trị cao.
- Các vết kim đâm nhỏ này hoạt động giống như các vết thương nhỏ, tạo tổn thương giả, thúc đẩy da tự chữa lành và kích thích sản sinh collagen (giúp chống nhăn và chống lão hóa da) và elastin (giúp tăng sự mềm mại, đàn hồi cho da và chống nếp nhăn). Quá trình này làm đầy da và cải thiện bề mặt của các nếp nhăn, sẹo và lỗ chân lông.
Quá trình trị liệu diễn ra như thế nào?
Đầu tiên, chuyên gia trị liệu sẽ thoa một loại kem gây tê lên da người được điều trị.
Tiếp theo, người trị liệu sẽ nhẹ nhàng di chuyển cây lăn kim trên bề mặt da theo nhiều hướng khác nhau, hoặc sử dụng một chiếc máy phi kim di chuyển xung quanh các khu vực trên khuôn mặt để tạo ra các lỗ nhỏ trên bề mặt da.
Toàn bộ quá trình mất khoảng 20-30 phút và mặc dù các đầu kim di chuyển trên khuôn mặt của bạn (một ý nghĩ thường làm cho người ta rùng mình), thực tế quá trình này không gây đau hoặc chỉ gây cảm giác châm chích nhẹ.
Bạn sẽ nhận thấy một số vết đỏ trong vài ngày sau đó như là kết quả của toàn bộ các kích thích da, tuy nhiên nó giảm đi nhanh chóng khi quá trình chữa lành vết thương bắt đầu và bạn sẽ bắt đầu quan sát thấy làn da sáng và cho cảm giác mềm mại hơn.
Để đạt được hiệu quả thực sự cao, bạn sẽ cần nhiều hơn một lần trị liệu để kích thích da liên tục sản sinh collagen và elastin. Kết quả trị liệu là sự tích lũy dần theo thời gian. Bạn sẽ không làm da bị hư tổn mà ngược lại, bạn đang xây dựng làn da trở nên rạng rỡ và mịn màng.
Lăn kim và Phi kim có rủi ro không?
Nhiễm trùng
Điều quan trọng nhất cần tránh là việc lăn kim/phi kim trên vùng da có mụn viêm, mụn mủ, mụn sưng,… đang hoạt động bởi vì bạn sẽ gặp nguy cơ bị nhiễm trùng.
Hãy tránh các khu vực bị mụn trong quá trình lăn kim/phi kim hoặc đợi cho đến khi hết những mụn này rồi mới tiến hành trị liệu.
Phản ứng da
Các chuyên gia đồng quan điểm rằng bạn không nên tiến hành lăn kim/phi kim trên da bị viêm, kích ứng nếu bạn đang bị hiện tượng da ửng đỏ (rosacea: hiện tượng da hai bên má bị ửng đỏ), hoặc đang bị bệnh chàm (còn gọi là eczema: là bệnh da liễu mãn tính, đặc trưng bởi triệu chứng ngứa ngáy dai dẳng, da nổi mụn nước, trợt loét, chảy dịch, nhiễm cộm và dày sừng).
Vì lăn kim/phi kim giúp da bạn hấp thụ sâu hơn các sản phẩm chăm sóc da, có khả năng da sẽ phản ứng với những thành phần mỹ phẩm theo những cách khác nhau và trở nên bị kích ứng.
Bạn cũng nên cẩn trọng trong việc sử dụng các sản phẩm vốn không được sản xuất để sử dụng chung với lăn kim/phi kim.
Trong một nghiên cứu tình huống từ JAMA Dermatology, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Utah đã công bố 3 trường hợp phụ nữ bị ngứa, nổi mẩn và bị sẹo khi da họ phản ứng với việc sử dụng tinh chất vitamin C trong khi lăn kim/phi kim.
Một giải pháp hiệu quả là tiến hành Patch Test (xét nghiệm dị ứng) đối với bất kỳ sản phẩm nào được sử dụng sau lăn kim/phi kim bằng cách thoa lên một vùng da nhỏ và chờ 24 giờ để chắc chắn không có phản ứng trước khi sử dụng trên các khu vực rộng hơn.
Đây là việc chắc chắn cần làm nếu bạn có làn da nhạy cảm!
Tìm kiếm những cơ sở làm đẹp uy tín
Thực tế đã xảy ra những trường hợp bị lây nhiễm HIV và viêm gan B do trị liệu lăn kim/phi kim. Để tránh những điều đáng tiếc, hãy tìm đến những spa, thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ, bệnh viện da liễu chuyên nghiệp và uy tín, cùng đội ngũ chuyên gia được cấp phép, có tay nghề và có một môi trường hành nghề sạch sẽ, vệ sinh.
Lăn kim/phim kim bởi các chuyên gia và tự trị liệu tại nhà
Khi phương pháp lăn kim/phi kim được thực hiện tại văn phòng bác sĩ da liễu, loại kim được sử dụng dài hơn một chút (trên 1.0 mm) và do đó có thể thâm nhập vào các lớp da sâu hơn để điều trị các vấn đề da phức tạp như sẹo rỗ hoặc rạn da.
Vì không có nhiều bằng chứng khoa học nghiên cứu về tác dụng của lăn kim/phi kim tại nhà, giới chuyên gia vẫn chưa biết liệu cách này có tốt, an toàn và hiệu quả không.
Loại kim bạn có thể sử dụng tại nhà gồm các kim ngắn hơn 1.0mm, do đó chúng không thâm nhập sâu vào da. Chúng được thiết kế nhằm kích thích làn da để giảm nếp nhăn, làm cho làn da bạn sáng mịn và cho phép các sản phẩm có thể thâm nhập sâu hơn.
Ưu điểm của đầu kim sử dụng tại nhà là kích thước ngắn hơn của chúng không gây đau, do đó bạn không cần sử dụng bất kỳ loại kem gây tê nào.
Nhược điểm là hiệu quả điều trị sẽ không cao như bạn sẽ nhận được từ việc điều trị bởi một bác sĩ da liễu chuyên nghiệp.
Ngoài ra, nếu kim bị cong, cùn hoặc không được bảo quản đúng cách, bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc làm tổn hại làn da và dẫn đến sẹo.
Bạn có thể lăn kim/phi kim hàng ngày không?
Chúng tôi chắc chắn rằng bạn đã nghe nói về tác dụng kỳ diệu của việc thường xuyên lăn kim/phi kim và các sản phẩm chăm sóc da sử dụng sử dụng trong quá trình trị liệu. Lăn kim/phi kim có nhiều công dụng, trong đó có thể kể ra một số như trị mụn, trị sẹo và điều trị da sần vỏ cam (cellulite).
Có thể bạn đã sẵn sàng tiến hành lăn kim/phi kim và muốn tự mình khám phá các lợi ích của chúng, tuy nhiên trước hết bạn muốn biết về tần suất sử dụng được khuyến nghị của phương pháp này. Hoặc có thể bạn đã ở trong quá trình trị liệu lăn kim/phi kim và muốn kiểm tra xem cách này có an toàn hay không.
Nếu là trường hợp đầu, có thể bạn muốn hỏi: “Cây lăn kim là gì?”. Khi tìm hiểu trên mạng, có thể bạn sẽ thấy một vài cách gọi khác nhau như cây lăn kim, hoặc kim lăn. Cả hai từ này để chỉ cùng một sản phẩm.
Nếu bạn sắp lăn kim/phi kim thì bạn nên biết có những quy tắc khác nhau về tần suất sử dụng tùy theo từng tình huống. Nếu bạn lăn kim/phi kim tại nhà, cho dù là điều trị rạn da hay da sần vỏ cam (cellulite), trong mọi tình huống bạn không nên thực hiện hàng ngày. Mặc dù vậy, nếu đầu kim là khá ngắn, bạn có thể tiến hành hai lần một tuần và điều này là an toàn. Mặt khác, nếu đầu kim dài hơn, bạn nên chờ ba đến bốn tuần rồi mới tiến hành lần trị liệu kế tiếp.
Khi nào tôi nên lăn kim/phi kim?
Bạn đang cân nhắc có nên coi lăn kim/phi kim là một bước chăm sóc da thường xuyên hay không? Vậy hãy cùng xem thời gian tốt nhất để thực hiện trị liệu là khi nào nhé.
Lăn kim/phi kim vốn mang lại lợi ích về dài hạn có thể có một số tác dụng phụ không mong muốn trong ngắn hạn. Cụ thể, sau khi trị liệu, bạn sẽ nhận thấy làn da của bạn có thể bị đỏ, đau và sưng một chút trong vài lần điều trị đầu. Đừng lo lắng! Điều này là do phản ứng căng thẳng từ da bạn gây ra bởi áp lực và những lỗ thủng mà đầu kim gây ra.
Vì vậy, trừ khi bạn không ngại mọi người hỏi tại sao mặt của bạn trông bị sưng, hãy cố gắng lăn kim/phi kim vào buổi tối. Cách này sẽ giúp cơ thể bạn có nhiều thời gian để phục hồi sau trị liệu.
Làm cách nào để lăn kim/phi kim điều trị vết rạn da?
Khi nói đến lăn kim/phi kim, mỗi người có những mục tiêu khác nhau. Một số người trong chúng ta có thể muốn điều trị sẹo mụn, trong khi những người khác sẽ muốn điều trị các vết rạn da, nếp nhăn,... Ưu điểm tuyệt vời của phương pháp này là nó mang lại hiệu quả trong mọi tình huống.
Vì vậy, nếu bạn thuộc trường hợp thứ hai, bạn sẽ rất vui khi được tìm hiểu cách điều trị các vết rạn da.
Bạn cũng sẽ thấy một thực tế là sử dụng một cây lăn kim siêu nhỏ tương đối đơn giản. Sau đây là hướng dẫn để lăn kim/phi kim điều trị các vết rạn da.
Hãy mua cho mình một cây lăn kim/máy phi kim được thiết kế để trị các vết rạn da, kích thước đầu kim từ 1.5mm. Trong trường hợp này, kích thước đầu kim càng lớn càng tốt, tuy nhiên hãy lưu ý rằng điều đó đồng nghĩa thời gian giữa các lần trị liệu cũng dài hơn. Hãy tiến hành trị liệu trên da một cách kỹ lưỡng và thoa một loại sản phẩm dưỡng da phục hồi sau đó.
Ngoài ra còn có các phiên bản cây lăn kim LED và máy phi kim LED. Loại đầu tiên tích hợp liệu pháp laser tại nhà để giúp làm sáng da và loại thứ hai là máy phi kim phiên bản điện tử giúp cân bằng áp lực tạo lên da. Hãy tìm một loại phù hợp nhất với bạn để sử dụng.
Khi nào cầy thay dụng cụ lăn kim/phi kim?
Khi bạn đã bắt đầu sử dụng và yêu thích dụng cụ lăn kim/phi kim và đã khám phá hết các công dụng để đáp ứng các nhu cầu của bạn, lúc đó sẽ nảy sinh một vấn đề là khi nào bạn cần phải thay thế chúng. Tại sao? Bởi vì cũng giống như bất kỳ đồ vật nào khác, dụng cụ sẽ bị mòn và bạn sẽ thắc mắc “Chúng còn hoạt động tốt nữa không?”
Vì vậy, để tránh gặp phải vấn đề, hay nghe theo lời khuyên này: Sau một thời gian, cây lăn kim hoặc máy phi kim sẽ trở nên quá cùn để có thể sử dụng trên da của bạn. Hiệu quả trị liệu cao sẽ dần kết thúc sau khoảng 3-6 tháng tùy thuộc vào tần suất sử dụng của bạn. Do đó, hãy tinh ý để nhận ra khi nào máy phi kim bị yếu đi hoặc hiệu quả trị liệu của cây lăn kim không còn tốt như trước. Đó là lúc chúng cần được thay thế. Bạn sẽ tiếp tục tận hưởng được các lợi ích của lăn kim/phi kim nếu bạn lưu tâm thay thế dụng cụ trị liệu khi chúng kém đi.
Dùng kích thước đầu kim nào cho cơ thể?
Bạn muốn lăn kim/phi kim cho cơ thể? Kích thước của đầu kim thay đổi tùy vào vùng da mà bạn muốn điều trị. Việc biết trước kích thước nào phù hợp là rất quan trọng.
Nếu bạn cần điều trị nếp nhăn trên mặt, hãy sử dụng dụng cụ có kích thước từ 0.25mm đến 0.75mm. Nếu bạn cần điều trị da lão hóa, 0.5mm-1.0mm là lý tưởng.
Đối với sẹo mụn hoặc sẹo nông, hãy chọn một máy phi kim có kích thước 0.5-1.0mm.
Cuối cùng, khi nói đến việc sử dụng dụng cụ để điều trị sẹo sâu hoặc vết rạn da, bạn nên sử dụng một dụng cụ có kích thước 1.0-2.5mm.
Bạn muốn điều trị da sần vỏ cam (cellulite)? Có một bộ dụng cụ điều trị da sần vỏ cam kích thước 1.0-2.5mm trên thị trường giúp giải quyết vấn đề này.
Lưu ý: Hãy thận trọng khi sử dụng dụng cụ có kích thước từ 1.0mm tại nhà và với kích thước lớn hơn bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.
Khi bạn đã chọn được kích thước phù hợp với mình, bạn có thể bắt đầu trị liệu ngay hôm nay và nhớ chụp ảnh để lưu lại hình ảnh bạn trước và sau khi điều trị!