Nên Sử Dụng Sản Phẩm Chăm Sóc Da Nào Sau Điều Trị Laser?
Ngày: 08/06/2020 lúc 16:18PM
Khi nói đến thẩm mỹ trị liệu, câu nói: “Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện” đúng nhất với công nghệ laser tái tạo bề mặt da. Bất kỳ ai đã từng trải qua điều trị laser cường độ cao đều sẽ cho bạn biết một thực tế rằng họ đã không thể đi ra khỏi phòng điều trị một cách thoải mái với làn da mịn màng, mềm mại như mong muốn. Ngược lại, phần lớn trong số đó trông tệ hơn. Da có thể bị khô căng, đỏ rát và nói chung là hiện tượng da bị kích ứng nhẹ. (Hãy yên tâm: những triệu chứng này chỉ trong ngắn hạn và chưa bao giờ làm nản lòng hàng ngàn người vốn đặt lòng tin vào phương pháp điều trị laser tái tạo bề mặt da).
Những triệu chứng không mong muốn này xuất hiện bởi vì tia laser hoạt động bằng cách làm tổn thương da một cách có chủ đích. Chỉ đến khi làn da phục hồi khỏi những tổn thương do tia laser thì chúng ta mới nhìn thấy những lợi ích của phương pháp điều trị này. Tùy thuộc vào loại tia laser mà quá trình phục hồi có thể cần đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng để hoàn tất.
“Tất cả các loại tia laser đều làm tổn thương da bạn theo một cơ chế nào đó. Sau đó sẽ diễn ra một quá trình tái tạo tự nhiên.”, Andrew Jacono, bác sĩ thẩm mỹ tại thành phố New York và là tác giả cuốn sách The Park Avenue Face nói. Cụ thể, làn da phản ứng lại bằng cách sản sinh ra những tế bào mới. Khi đã phục hồi hoàn toàn, làn da mới trông tươi tắn và trẻ trung hơn một cách đáng kể bởi vì đó là bản chất của phương pháp này. Dưới đây, chúng tôi phỏng vấn các chuyên gia để tìm hiểu rõ làm cách nào để chăm sóc da sau điều trị, nhờ đó bạn có thể rút ngắn thời gian phục hồi và có được làn da tươi tắn và trẻ trung sớm nhất có thể.
Công nghệ laser tái tạo bề mặt da hoạt động như thế nào?
Công nghệ laser tái tạo bề mặt da được chia làm 2 loại: xâm lấn và không xâm lấn. Công nghệ laser xâm lấn, ví dụ như CO2, tạo ra các lỗ thủng trên lớp bề mặt của da, BS da liễu Daniel Belkin sống tại TP New York cho biết. Công nghệ laser không xâm lấn không tạo ra các lỗ thủng trên da, tuy nhiên nó tạo ra các vùng tổn thương do nhiệt, điều này làm cho da có nhiều lỗ rỗng hơn bình thường. Dù bạn đang sử dụng công nghệ laser nào thì làn da cũng sẽ trở nên nhạy cảm hơn sau khi điều trị bởi vì da đang làm việc để tự phục hồi.
Quá trình phục hồi sau điều trị laser là điểm then chốt quyết định hiệu quả điều trị, do đó việc quan tâm chăm sóc làn da trong giai đoạn này là tối quan trọng, thậm chí cần lưu tâm hơn lúc bình thường. “Điều quan trọng là chúng ta cần biết rõ mình đang dùng những hoạt chất hoặc thành phần không hoạt tính nào, bởi vì các dưỡng chất sẽ thẩm thấu vào sâu trong da nhiều hơn lúc bình thường”, Belkin lưu ý.
Tất nhiên, điều này có nghĩa là hãy tránh xa các loại tẩy tế bào chết có chứa glycolic acid, thậm chí các sản phẩm có chứa những loại enzyme trái cây lành tính nhất cũng không nên được sử dụng. Belkin nhấn mạnh: “Các loại tẩy tế bào chết hóa học có thể có tác dụng tốt nếu được sử dụng thường xuyên, tuy nhiên trong giai đoạn làn da không thể tự bảo vệ như trong trạng thái khỏe mạnh bình thường, những loại mỹ phẩm này rất dễ gây kích ứng”. Tương tự, bạn nên dừng sử dụng các loại tẩy tế bào chết vật lí một vài ngày cho đến khi da bạn đã hoàn toàn bình phục.
Ngoài việc tránh xa các loại tẩy tế bào chết hóa học và vật lí, Jacono khuyên nên kiểm tra kỹ lưỡng những sản phẩm có vẻ lành tính nhất. Ông cảnh báo: “Có nhiều loại tinh chất vitamin thực ra lại mang tính chất axit. Ví dụ, vitamin C là ascobic acid, do đó nếu như da bạn bị tổn thương sau điều trị laser, thành phần này có thể gây kích ứng”. Belkin khuyên nên tránh dùng các sản phẩm có thành phần nước hoa với lý do tương tự vì có thể chúng sẽ gây kích ứng.
Bạn có thể sử dụng sản phẩm nào sau khi điều trị laser
Một tin không vui là có rất ít sản phẩm bạn có thể sử dụng sau khi điều trị laser. Về cơ bản, chế độ chăm sóc da sau điều trị laser gần giống như một chế độ ăn kiêng. Và cũng giống như một người có cái bụng yếu sẽ tốt hơn nếu chỉ ăn chuối và bánh mì, làn da bị tổn thương phù hợp với các sản phẩm làm dịu và tái tạo, ít nhất là thời kỳ đầu của quá trình hồi phục.
Sử dụng sản phẩm nào ngay sau khi điều trị bằng laser
Khi da còn yếu, điều quan trọng nhất là phải giữ ẩm. Jacono nói: “Giữ ẩm cho các tế bào cho phép lớp biểu bì phát triển và phục hồi ở phía trên”. Ông khuyên nên sử dụng nhiều các sản phẩm thuần cấp ẩm không chứa dầu.
“Tia laser cường độ càng cao, làn da càng ít có khả năng thích ứng với những sản phẩm giàu dưỡng chất và có thể dễ gây bít da hơn”, Belkin nói. (Một sản phẩm giàu dưỡng chất, dễ gây bít da là sản phẩm tạo ra một lớp màng bảo vệ, tuy nhiên lại làm da khó “thở” hơn). Điều này có nghĩa tốt nhất là tránh sử dụng các dưỡng chất có gốc dầu như petroleum jelly vốn có thể gây ra mụn.
Sử dụng sản phẩm nào sau khoảng 1 tuần kể từ khi điều trị laser?
Khi da bắt đầu hồi phục một cách rõ rệt (khoảng 1 tuần sau khi điều trị laser tùy thuộc vào cường độ của quá trình điều trị), bạn có thể bắt đầu sử dụng những sản phẩm với lớp mỏng và ít làm bít da.
Sử dụng sản phẩm nào sau 2-4 tuần kể từ khi điều trị laser?
Sau một vài tuần, bề mặt da có thể đã bình phục, tuy nhiên hiện tượng đỏ và viêm có thể vẫn là một vấn đề. Jacono thường kê một loại kem dưỡng chứa steroid loại nhẹ - thành phần có tác dụng chống viêm, thường được sử dụng cho vùng da mỏng và vùng da nhạy cảm. Ngoài ra, giải pháp thay thế không cần kê đơn, ông tư vấn dùng một loại kem dưỡng chứa hydrocortisone 1% - là một steroid chống viêm, được phân loại trong nhóm steroid nhẹ, thường được sử dụng để điều trị các tình trạng khác thường ngoài da bao gồm nhẹ đến trung bình, viêm da. Mặc dù vậy, chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ như hạt đậu. “Bạn sẽ không muốn thoa một lớp dày, và không nên sử dụng giống như Aquaphor sau khi điều trị”, Jacono lưu ý.
Bác sĩ da liễu Shari Marchbeinm, đang công tác tại Đại học New York, giải thích rằng: "Aquaphor là 1 hỗn hợp bao gồm sáp dầu, dầu khoáng, glycerin và mỡ cừu".
Ghi chú của người viết bài: Hãy nhớ luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi sử dụng bất kỳ loại dược phẩm nào.
Sử dụng sản phẩm nào sau 4-6 tuần kể từ khi điều trị laser?
Ở thời điểm này, làn da đã phục hồi sau điều trị laser và đang trở nên căng bóng và hết hiện tượng đỏ, kích ứng. “Khi da của bạn đã phục hồi hoàn toàn, bạn sẽ muốn quay trở lại chế độ chăm sóc da thường ngày, bạn sẽ sử dụng lại các sản phẩm như tẩy tế bào chết, tinh chất vitamin C, và các sản phẩm chứa retinol như thông thường. Jacono nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tẩy tế bào chết và tái sản sinh collagen, là hai trong số những yếu tố quan trọng nhất của việc duy trì làn da căng bóng và kéo dài kết quả của việc điều trị.
Ghi chú của người viết bài: Retinol không nên được sử dụng bởi phụ nữ có thai hoặc đang muốn có thai hoặc đang nằm viện. Vui lòng hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi sử dụng. Và hãy luôn ghi nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng hoặc ngừng sử dụng bất kỳ loại dược phẩm hoặc quá trình điều trị nào.
Một lưu ý quan trọng về kem chống nắng
Làn da mới được tái tạo bề mặt rất dễ bị tổn thương bởi tia UV, do đó điều cực kỳ quan trọng là cần lựa chọn chỉ số chống nắng SPF cao nhất có thể. Tốt nhất hãy chọn một loại kem chống nắng vật lí (có nghĩa là thành phần chứa zinc oxide hoặc titanium dioxide) thay vì kem chống nắng hóa học.
Tuy nhiên không phải mọi loại kem chống nắng vật lí được sản xuất giống nhau, thực tế là một số loại được pha trộn với các chất hóa học và các thành phần vật lí khác. Do đó, hãy đảm bảo rằng loại kem chống nắng chứa zinc oxide hoặc titanium dioxide mà bạn lựa chọn là 100% nguồn gốc vô cơ. Jacono nói: “Một cách để chắc chắn đó là hãy lựa chọn một loại kem chống nắng hữu cơ dành cho trẻ em. Những sản phẩm này đã được kiểm nghiệm an toàn cho làn da nhạy cảm nhất và gần như luôn là zinc oxide và titanium dioxide.
Phải thừa nhận rằng chăm sóc làn da sau điều trị laser không hề tạo cảm hứng chút nào, tuy nhiên làn da của bạn chắc chắn sẽ rất quyến rũ nếu bạn tuân thủ theo những quy tắc nêu trên.
Ghi chú của người viết bài: Hãy nhớ luôn hỏi ký kiến bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu hoặc chấm dứt bất kỳ việc điều trị mới nào.
(Nguồn: thespotlyte.com)