Mụn và nguyên nhân gây mụn

Ngày: 26/08/2020 lúc 21:45PM

Mụn là một vấn đề về da phổ biến với hầu hết mọi người, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì và thậm chí ở những người trưởng thành. Nhằm giúp độc giả trang bị những kiến thức về cách phòng tránh cũng như trị mụn hiệu quả, Midora sẽ có loạt bài viết về chủ đề này. Trong bài viết này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng những kiến thức tổng quan như mụn là gì và những nguyên nhân gây mụn.

 


Mụn là gì?


Mụn là một loại bệnh da liễu mãn tính, xuất hiện hoặc tái phát khi lỗ chân lông bị bít tắc bởi dầu thừa (bã nhờn) kết hợp với tế bào chết, tạo ra các tổn thương trên da và biểu hiện bằng các khối u nhỏ trên bề mặt da, có thể gây đau, đỏ hay sưng, đặc biệt là ở vùng mặt, vai, lưng, cổ, ngực và cánh tay.

 

Mụn bao gồm các loại mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn trứng cá, mụn bọc, mụn mủ, mụn cóc. Theo thống kê của ngành da liễu năm 2018, ở Việt Nam có gần 16 triệu người bị mụn trứng cá, trong đó hơn 80% trong độ tuổi từ 11-30 và ít dần ở độ tuổi ngoài 30.

 

Mụn thường xuất hiện ở lứa tuổi dậy thì khi các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, tuy nhiên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mụn không gây nguy hiểm nhưng có thể để lại sẹo trên da hoặc làm mất thẩm mỹ cho gương mặt.

 

Nguyên nhân trực tiếp gây mụn


Có 3 nguyên nhân gây mụn: da dầu (bã nhờn), bít tắc lỗ chân lông và vi khuẩn gây mụn P.Acnes. Những người có đồng thời cả 3 yếu tố này là những người dễ bị mụn.


1. Da dầu



Những người da dầu thì dễ bị mụn hơn những người da thường hoặc da khô. Đối với những người da hỗn hợp (vùng chữ T là da dầu, vùng gò má da thường) thì mụn thường chỉ mọc ở vùng chữ T. Như vậy dầu là nguyên nhân quan trọng gây ra mụn.


Dầu được tiết ra từ tuyến bã nằm trong da, rồi theo lỗ chân lông đi lên trên bề mặt da. Người có làn da bình thường luôn có một lớp dầu rất mỏng ở trên da có tác dụng giữ ẩm cho da. Tuy nhiên, ở người da dầu, tuyến bã hoạt động quá mức cần thiết dẫn đến lượng dầu tiết ra nhiều làm da mặt bị bóng nhờn. Lượng dầu dư thừa (bã nhờn) kết hợp với các tế bào chết trong lỗ chân lông tạo thành cục bít tắc trong lỗ chân lông, đây chính là nhân mụn. Nhân mụn sẽ phát triển thành mụn.

Hình ảnh tiết dầu của tuyến bã


Tuy nhiên, thực tế có một số ít người da dầu nhưng lại hiếm khi bị mụn, trong khi những người khác da ít dầu hơn nhưng thường xuyên bị mụn. Vì sao lại có hiện tượng này? Đó là vì còn có một nguyên nhân khác là sự bít tắc lỗ chân lông.


2. Bít tắc lỗ chân lông


Lỗ chân lông có hình chữ U và ở giữa có sợi lông mọc lên. Ở những người ít bị mụn, miệng lỗ chân lông thường mở rộng để dầu (bã nhờn) và các tế bào chết theo miệng lỗ chân lông đi ra ngoài.


Ở những người hay bị mụn, miệng lỗ chân lông bị hẹp lại do thành của lỗ chân lông dày lên bất thường. Điều này gây bít tắc lỗ chân lông, làm dầu và các tế bào chết trong lỗ chân lông không thoát ra ngoài được. Chúng tích tụ lại trong lỗ chân lông, tạo thành khối gọi là nhân mụn.



Hiện tượng bít tắc lỗ chân lông giúp giải thích tại sao một số người da nhiều dầu nhưng ít khi bị mụn. Đó là do lỗ chân lông của họ luôn thông thoáng, do vậy bã nhờn và tế bào chết không bị tích tụ lại trong lỗ chân lông nên không hình thành được nhân mụn. Còn những người hay bị mụn hầu hết là da dầu và bị tắc lỗ chân lông.


Một câu hỏi khác giúp ta phát hiện ra nguyên nhân thứ 3 gây ra mụn. Đó là mụn đầu đen và mụn mủ đều chứa nhân mụn bên trong, tức là đều do 2 nguyên nhân da dầu và bít tắc lỗ chân lông. Tuy nhiên, tại sao mụn đầu đen thì không có mủ, còn mụn mủ thì có mủ và đỏ da? Câu trả lời chính là vi khuẩn gây mụn P.Acnes.


3. Vi khuẩn gây mụn P.Acnes


Vi khuẩn P.Acnes bình thường vẫn tồn tại trên da người. Ở những người hay bị mụn, vi khuẩn này phát triển nhiều hơn mức bình thường. Sự bít tắc lỗ chân lông tạo ra môi trường thiếu oxy, do oxy không thể vào trong lỗ chân lông, đây là môi trường sống lý tưởng cho vi khuẩn P.Acnes. Bã nhờn của nhân mụn là thức ăn cho P.Acnes. Có môi trường thuận lợi và thức ăn, vi khuẩn P.Acnes phát triển mạnh và tăng nhanh về số lượng. Nó phân hủy bã nhờn tạo ra các chất gây viêm da, từ đó hình thành nên mụn mủ, mụn bọc.


Sự khác biệt cơ bản của mụn đầu đen, mụn cám với mụn mủ, mụn bọc là vi khuẩn gây mụn P.Acnes. Trong mụn mủ, mụn bọc thì số lượng vi khuẩn P.Acnes rất nhiều, còn mụn đầu đen, mụn cám thì số lượng P.Acnes ít. Vì thế khi trị mụn bọc, trị mụn mủ, bác sĩ thường kê đơn kem bôi kháng khuẩn hoặc thuốc uống kháng sinh diệt vi khuẩn gây mụn P.acnes.


 


Một số yếu tố khác liên quan đến việc hình thành mụn


- Rối loạn Hormone trong cơ thể: Thông thường, lượng hormone có xu hướng tăng lên ở tuổi dậy thì, đồng thời hormone của nữ giới ở các giai đoạn như trước kỳ kinh nguyệt, sau khi sinh em bé, … thường có sự thay đổi, làm ảnh hưởng tới khả năng điều tiết bã nhờn trên da hoặc khiến da bị kích ứng, là những nguyên nhân gây ra mụn.


- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Bao gồm việc sử dụng chất kích thích như uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, ăn nhiều đồ ngọt, đồ béo hoặc chế độ giảm cân không khoa học.


- Sử dụng mỹ phẩm không đúng cách: Việc lạm dụng các sản phẩm makeup nhưng không làm sạch đầy đủ và đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ bị mụn. Ngoài ra, mỹ phẩm chứa các thành phần gây bít tắc lỗ chân lông, tạo nhân mụn như dầu khoáng (Mineral Oil), hương liệu (Fragrance), chất bảo quản (Paraben), Corticoid, rượu (Alcohol), Lanolin, Silicone, … cũng gây ra điều tương tự.


- Công việc: Những công việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, phải thức khuya, thiếu ngủ, thiếu thời gian để làm sạch da mặt, phải sử dụng các loại đồ ăn nhanh, thường xuyên ngồi trong phòng máy lạnh khiếu da khô, thiếu nước đều là nguyên nhân gây mụn.


- Stress: Lo âu căng thẳng, stress cũng khiến cho tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, dẫn đến tăng nguy cơ gây ra mụn.


- Các bệnh nội tiết: Một số bệnh lý như Cushing, bệnh cường giáp trạch, bệnh buồng trứng đa nang, … làm tăng mức độ bị mụn.


- Thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng phụ là gây mụn, có thể làm xuất hiện mụn hoặc làm tình trạng mụn bị nặng hơn. Bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán liệu loại thuốc bạn đang dùng có gây ra mụn hay không. Có thể kể ra một số loại thuốc như corticoid, isoniazid, thuốc có nhóm halogen, nội tiết tố androgen (testosterone), lithium…


- Di truyền: Nếu một người trong gia đình bạn bị mụn, bạn có thể cũng gặp phải tình trạng này do yếu tố di truyền.



 Các loại mụn thường gặp: Nguyên nhân hình thành và cách nhận biết

Trần Thị Vân Thảo
BÌNH LUẬN

    zalo facebook