Các loại mụn thường gặp: Nguyên nhân hình thành và cách nhận biết

Ngày: 10/09/2020 lúc 10:53AM


Ở bài viết trước Mụn và nguyên nhân gây mụn, chúng ta đã cùng tìm hiểu mụn là gì và nguyên nhân gây mụn. Trong bài viết hôm nay, Midora sẽ giúp bạn tìm hiểu về các loại mụn thường gặp và cách nhận biết.



Mụn được chia làm 2 nhóm chính: Nhóm mụn không viêm (non-inflammatory acne) và Nhóm mụn viêm (inflammatory acne).


Nhóm 1: Mụn không viêm (Non-inflammatory acne):


Mụn không viêm là những loại mụn ở mức độ nhẹ, không gây đau, không sưng mủ, bao gồm các loại mụn như: mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn ẩn.

 

Mụn đầu đen (Blackhead hoặc Open Comedone)


Mụn đầu đen là một loại mụn không viêm, có bề mặt da hở được gọi là “nhân hở” và khi đó nhân mụn bị không khí oxy hóa tạo thành màu đen hoặc nâu đen. Mụn thường xuất hiện ở mũi (phổ biến nhất), trán, cằm, hai bên má, lưng và ngực,… đặc biệt là ở những nơi có lỗ chân lông to.


Những nguyên nhân gây mụn đầu đen phổ biến nhất là thay đổi nội tiết tố (đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì), stress, căng thẳng, …


Các nhận biết: Mụn đầu đen là các sẩn nhỏ như đầu đinh ghim, có kích thước nhỏ, từ 1-2 mm đường kính, màu đen, chứa nhân mụn bên trong, thường nổi thành chùm với số lượng nhiều.


 

Mụn đầu trắng (Whitehead hoặc Closed Comedone) hay còn gọi là Mụn cám (Acne Bran)


Mụn đầu trắng là loại mụn có đầu mụn màu trắng, kích cỡ mụn nhỏ, không sưng đỏ, không gây đau, nhìn gần sẽ thấy chúng nổi lên trên bề mặt da. Khác với mụn đầu đen có đầu mụn hở thì mụn đầu trắng lại nằm khép kín hoàn toàn bên dưới lớp da mỏng.


Các nguyên nhân gây mụn đầu trắng phổ biến là thay đổi nội tiết tố, ngưng sử dụng thuốc (làm thay đổi hóc môn trong cơ thể), di truyền, …


Các nhận biết: Mụn đầu trắng là các sẩn nhỏ như đầu đinh kim, kích thước 1-2 mm, màu trắng, mọc thành chùm, số lượng nhiều và phân bố ở trán, 2 má, cằm và đôi khi là mũi.


 

Mụn ẩn (Hidden acne under the skin)


Mụn ẩn là loại mụn không viêm sưng, đau nhức hay mưng mủ và có nhân nằm sâu bên trong nang lông. Mụn ẩn rất phổ biến đối với những người đang trong độ tuổi dậy thì. Mụn ẩn hay mọc ở 2 bên má, vùng trán và cằm.


Những nguyên nhân chính gây ra mụn ẩn là sử dụng sản phẩm làm sạch da không phù hợp, nhiễm khuẩn từ các vật dụng hàng ngày, chế độ ăn uống không hợp lý, …


Cách nhận biết: Mụn ẩn nằm dưới da, nhỏ li ti và không thể nhìn thấy bằng mắt thường, tuy nhiên chúng khiến da mặt sần sùi. Chúng không mọc riêng lẻ mà đi theo từng cụm và ngày càng lan rộng ra các khu vực ở xung quanh. 


 

Nhóm 2: Mụn viêm (Inflammatory Acne)


Là mụn ở mức độ nặng, tổn thương gờ trên bề mặt da, gây đau nhức, bao gồm các loại mụn như: mụn bọc, mụn mủ, mụn nang, mụn sẩn.

 

Mụn bọc (Nodule)


Mụn bọc là thể nặng của mụn trứng cá, có kích thước lớn, viêm đỏ, bên trong có nhân cứng và mủ trắng. Mụn thường gây đau nhức, ngứa ngáy, nóng rát và khó chịu. Mụn bọc thường mọc ở các vị trí bài tiết nhiều dầu như cánh mũi, cằm và má.


Các nguyên nhân chính gây ra mụn bọc là da dầu, thói quen vệ sinh kém, rối loạn nội tiết tố, căng thẳng và thường xuyên trang điểm.


Cách nhận biết: Ban đầu mụn xuất hiện ở dạng chấm đỏ hơi nổi cộm, ấn vào có cảm giác ngứa và đau nhẹ. Sau vài ngày mụn phát triển lớn, viêm đỏ và ứ mủ bên trong, có dấu hiệu sưng nóng, viêm đỏ và đau nhức nhiều. Một số mụn bọc lớn có thể gây đau và đỏ các vùng da lân cận.


 

Mụn mủ (Postules Acne)


Mụn mủ là tình trạng da bị phồng lên một mảng chứa các chất lỏng màu trắng ngà. Mụn mủ thường khiến người bị cảm thấy khó chịu và đau nhức. Khi chạm vào có thể khiến các vết mụn bị vỡ làm tình trạng mụn thêm trầm trọng và có nguy cơ lây nhiễm sang vùng da khác.


Các nguyên nhân chính gây ra mụn mủ là vệ sinh da mặt không sạch, thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn uống, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp, …


Cách nhận biết: Mụn mủ thường xuất hiện ở chân mày, thái dương, mũi, cằm và xung quanh miệng. Mụn có kích thước 5 -10 mm, chứa đầy mủ.


 

Mụn nang (Cysts)


Mụn nang là loại mụn có dạng u viêm màu đỏ, lâu dần sẽ phát triển to lên, gây cảm giác đau nhức, khó chịu như những “khối u”, thông thường mụn nang sẽ lớn và để lại tổn thương trên da của bạn.


Nguyên nhân chính gây ra mụn nang là sử dụng mỹ phẩm sai cách, không rõ nguồn gốc, nặn mụn không đảm bảo, da bị nhiễm corticoid…


Cách nhận biết: Mụn xuất hiện với các dạng u viêm màu đỏ, lâu dần sẽ phát triển lớn dần lên thành dạng nang cứng. Loại mụn này thường xuất hiện ở các vị trí như mặt, cổ, ngực, lưng với các biểu hiện như các cục có màu đỏ, bên trong có chứa mủ hoặc không. Nếu mụn có chứa mủ sẽ sưng to hơn, kèm theo đó là tình trạng viêm nhiễm diễn ra ngày càng nặng và mụn rất lâu lành.


 

Mụn sẩn (Papules)


Mụn sẩn là loại mụn phát triển khi mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng bị viêm tạo thành các nốt mụn đỏ hoặc hồng trên da, hơi sưng và không thấy đầu mụn. Khi chạm vào có cảm giác đau, nếu bạn nặn hoặc ép mụn sẽ làm tình trạng viêm nặng hơn và có thể dẫn đến sẹo.


Nguyên nhân chính gây ra mụn sẩn là do môi trường bên ngoài, do ăn các loại thực phẩm cay nóng, sinh hoạt không điều độ, …


Cách nhận biết: Những nốt nổi gồ trên da với kích thước nhỏ li ti và có màu đỏ nhưng không có nhân mụn và mủ, chưa đau và nóng rõ rệt.



Ngoài các loại mụn thường gặp như đã trình bày ở trên, còn có một số loại mụn như Mụn cóc (Common Warts), Mụn thịt (Syringoma), Mụn nhọt (Pimple), Mụn đầu đinh (Acne nail), … nhưng ít phổ biến hơn.

 

Ở bài viết sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách phòng tránh và điều trị mụn, các bạn hãy cùng đón đọc.

 

Trần Thị Vân Thảo
BÌNH LUẬN

    zalo facebook