Cách phục hồi da cháy nắng tại nhà

Ngày: 08/06/2021 lúc 16:58PM

Kem chống nắng vốn được xem như “tấm khiên” bảo vệ cho làn da, nhất là trong những chuyến du lịch biển hay vận động ngoài trời. Thế nhưng, sản phẩm chống nắng đôi khi không bảo vệ làn da tối ưu như bạn nghĩ. Ánh nắng mặt trời vẫn có thể khiến da bị tổn thương và thậm chí là bỏng rát. Lúc này bạn cần phải “cấp cứu” kịp thời cho làn da càng sớm càng tốt. Những bí quyết sau đây sẽ giúp bạn loại bỏ các vết sạm đen và phục hồi lại làn da nhanh chóng khi bị tổn thương bởi ánh nắng

 

1. Da bị cháy nắng là gì?

Da bị cháy nắng (bỏng nắng) là phản ứng viêm ở lớp ngoài cùng của da khi tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo trong thời gian dài. Tình trạng này gây ra nhiều nguy hại cũng như ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ.

 

2. Nhận biết da bị cháy nắng

 

Khi bị cháy nắng, làn da của bạn sẽ có một số hiện tượng sau:

  • Da bị đỏ, rát: Là tình trạng lớp hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, các mạch máu dưới da bị giãn da khiến da trở nên mỏng, yếu và trở nên đỏ, rát.
  • Da không đều màu: Do tác động của tia UVB làm kích thích sản sinh các melanin tối màu khiến da bị đen sạm.
  • Da bị khô sạm: Do các tế bào keratinocyte( tế bào sừng) bị sừng hóa, da trở nên khô, dày và dễ bong tróc.
  • Xuất hiện nếp nhăn: Tác động từ tia cực tím khiến các sợi collagen và elastin trong da bị phá vỡ, thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa, làm mất độ đàn hồi, săn chắc vốn có của da, tạo nên các rãnh nhăn

Một số triệu chứng cho thấy da đã bị cháy nắng nghiêm trọng và cần phải đi tìm gặp bác sĩ để chữa trị kịp thời:

  • Da bị phồng rộp, nổi bóng nước
  • Da bị nhiễm trùng
  • Da mặt và các chi bị phù
  • Da xuất hiện nhiều những vùng da không đều màu hoặc các đốm sắc tố nhanh chóng

 

3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng da bị cháy nắng

 

Nguyên nhân chính khiến da cháy nắng là do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá nhiều mà không che chắn, bảo vệ làn da đúng cách. Khi tiếp xúc trong thời gian dài sẽ khiến cho lớp biểu bì của da bi tổn thương, dẫn đến hiện tượng cháy nắng và làm tăng nguy cơ tổn thương da như lão hóa da, sạm nám, bong da và ung thư da. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân sau:

  • Dùng sản phẩm chống nắng không phù hợp và chưa đủ liều lượng
  • Không thoa chống nắng trước khi  tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Chỉ dựa vào các sản phẩm chống nắng để bảo vệ làn da mà không sử dụng các biện pháp chống nắng khác như: mũ, nón, quần áo, kính râm,…

 

4. Thời gian phục hồi làn da cháy nắng là bao lâu?

Thời gian phục hồi làn da cháy nắng còn phụ thuộc vào mức độ da bị tổn thương và cách bạn chăm sóc cho da, cụ thể như sau:

  • Da cháy nắng nhẹ: cần khoảng 3- 10 ngày tùy vào mức độ tổn thương.
  • Da cháy nắng nặng: cần khoảng 2 đến 3 tuần mới có thể phục hồi hoàn toàn. Trường hợp nghiêm trọng có thể phải có sự can thiệp của các bác sĩ.

 

5. Cách phục hồi da bị cháy nắng

Da bị cháy nắng không chỉ làm giảm tính thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu không thực hiện các biện pháp khắc phục sẽ khiến cho làn da ngày càng suy yếu, xuất hiện các đốm sắc tố, dễ kích ứng và nhanh lão hóa.

5.1. Làm dịu da bằng nước mát

 

Khi làn da có dấu hiệu bị cháy nắng, bạn nên ngừng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và làm dịu da bằng cách dùng khăn lạnh, khăn bọc đá rồi xoa lên vùng da bị tổn thương hoặc ngâm mình trong nước mát.

Lưu ý:

  • Không nên dùng đá lạnh xoa trực tiếp lên da vì có thể gây ra hiện tượng bỏng lạnh và tổn thương da nghiêm trọng hơn.
  • Không chà xát mạnh vì có thể khiến vết thương nặng hơn.

 

5.2. Đắp/thoa nha đam

 

Nha đam (lô hội) từ lâu đã được nhiều người biết đến với công dụng làm đẹp không thể phủ nhận. Nha đam chứa hoạt chất polysaccharide có tác dụng phục hồi vùng da bị tổn thương, cháy nắng, giảm đỏ rát và cấp ẩm cho da nhanh chóng.Bạn có thể mua gel nha đam nguyên chất tại các nhà thuốc hoặc có thể sử dụng nha đam tươi bằng cách:

  • Tách 1 lá nha đam tươi, gọt vỏ rửa sạch
  • Cạo lấy phần nhựa trong ruột lá hoặc phần thịt và để vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tiếng
  • Đắp lên các vùng da bị cháy nắng, nhẹ nhàng massage vùng da đó khoảng 15 phút để nha đam có thể thẩm thấu vào da.
  • Cuối cùng, rửa lại thật sạch vùng da đó bằng nước lạnh. 

Phương pháp chữa cháy nắng tại nhà với nha đam này có thể thực hiện 3 - 4 lần/ tuần để có được hiệu quả tốt nhất.

 

5.3. Sữa tươi (không đường)

 

Trong thành phần của sữa tươi có chất béo, protein, vitamin và các khoáng chất thiết yếu giúp da mềm mịn hơn, đào thải các chất có hại cho da, chống lão hóa và dưỡng sáng da

  • Đặt một miếng vải hoặc gạc bông ngâm trong sữa mát trên vùng da bị đỏ do cháy nắng, lưu giữ trên da khoảng 3-5 phút.
  • Thực hiện 3-4 lần/tuần

 

5.4. Mật ong

 

Mật ong cũng là 1 trong số phương pháp chữa da cháy nắng tại nhà được rất nhiều người yêu thích 

Mật ong là 1 nguyên liệu tự nhiên với khả năng giúp giữ ẩm, phục hồi da, kích thích tái tạo tế bào mới, hiệu quả chống viêm, giảm cảm giác đau rát và ửng đỏ từ những vết cháy nắng trên da 1 cách nhanh chóng. Trong thành phần của mật ong có rất nhiều thành phần có lợi như Vitamin A, B, C, E cùng các khoáng chất thiết yếu như Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Sắt (Fe), Kali (K), Canxi (Ca), ...

  • Đắp mật ong lên vùng da bị cháy nắng với độ dày khoảng 1,5 cm và trải đều ra khắp bề mặt. Giữ nguyên khoảng 20 phút và rửa sạch lại với nước mát.
  • Tiếp tục sử dụng mật ong 2-3 lần/ngày cho đến khi tình trạng đau rát trên da giảm bớt.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn mật ong với sữa tươi không đường, sữa chua không đường hoặc  bột nghệ để chữa trị vết cháy nắng, tăng hiệu quả dưỡng da trắng sáng

Lưu ý: Nên sử dụng mật ong nguyên chất

 

5.4. Trà Xanh

 

Các loại trà từ trà tươi đến trà khô đều chứa nhiều chất catechin và flavonoid, có tác dụng xoa dịu các cảm giác nóng, rát do cháy nắng, ngăn chặn ung thư da, giảm sưng viêm hiệu quả. Một số phương pháp chữa cháy nắng với trà xanh phổ biến có thể kể đến như:

Chữa cháy nắng với nước trà

  • Pha nước trà thật đặc, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút.
  • Dùng khăn hoặc bông tẩm nước trà thoa lên vùng da bị cháy nắng, nếu vết cháy nắng quá lớn, bạn có thể ngâm mình trong nước trà 10 - 15 phút, để làm dịu mát làn da.

Chữa cháy nắng với bã trà

  • Bỏ bã trà hoặc trà túi lọc vào ngăn mát tủ lạnh.
  • Sau đó đắp lên vùng da bị cháy nắng khoảng 10 - 15 phút.
  • Phương pháp này có thể thực hiện mỗi ngày 1 lần.

 

5.5. Thoa kem dưỡng ẩm

 

Trong quy trình phục hồi da cháy nắng không thể bỏ qua bước dưỡng ẩm. Kem dưỡng ẩm giúp phục hồi màng ẩm tự nhiên của da, tạo rào cản bảo vệ da khỏi các tác hại từ môi trường, giữ làn da không bị khô, bong tróc, duy trì làn da khỏe mạnh. Bạn nên lựa chọn những sản phẩm dưỡng ẩm có kết cấu mỏng nhẹ hoặc những sản phẩm dành riêng cho da nhạy cảm để giảm thiểu kích ứng da.

 

5.6. Bổ sung nước cho cơ thể

 

Da bị cháy nắng sẽ làm cho tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc này, bạn cần bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Ngoài nước lọc, bạn nên uống thêm các loại nước ép trái cây giàu vitamin A, C, E như: nước cam, nước chanh, cà chua, bưởi… để tăng cường sức đề kháng, giúp da khỏe đẹp.

 

6. Cách phòng ngừa da bị cháy nắng

  • Trang bị phụ kiện chống nắng như quần áo chống nắng, đeo kính râm khi ra ngoài.
  • Thoa sản phẩm chống nắng trước khi ra ngoài từ 15- 20 phút, sử dụng quanh năm, kể cả những ngày trời u ám hay không hoạt động ngoài trời
  • Hạn chế ra đường từ 10 giờ sáng – 2 giờ chiều vì đây là thời điểm tia UV hoạt động mạnh nhất trong ngày.
  • Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn tốt hơn.

 

 

 

Các bài viết liên quan:

Vân Thảo
BÌNH LUẬN

    zalo facebook